Lịch Sử & Văn Hóa Bhutan – Vườn Địa Đàng Trên Mây

Bhutan lịch sử và văn hóa

Từ nhiều thế kỷ, thế giới bên ngoài dường như không biết đến có một đất nước tên Bhutan đang tồn tại ẩn mình bên dãy Himalaya. Những ngọn núi dựng lên một lớp áo giáp tự nhiên, ngăn cách đất nước này với thế giới bên ngoài. Trong các biên niên sử, Tây Tạng láng giềng gọi vùng đất này bằng nhiều cái tên như “Thánh địa ẩn giấu”, “Thung lũng dược liệu miền Nam” hay “Vườn sen của những vị thần”. Giữ những cái tên ấy, người Bhutan tự gọi chính đất nước của mình là Druk Yul, có nghĩa là “Đất nước Rồng Sấm”.

Hiện tại, Bhutan được vị vua trẻ – Quốc vương Khesar Namgyel Wangchuck. Chính cha ông là người đã đặt ra định nghĩa về một Quốc gia hạnh phúc, rằng một đất nước thì nên được đánh giá dựa trên chỉ số hạnh phúc của người dân chứ không phải trên bất kỳ thang đo vật chất nào khác.

Lịch sử hình thành Bhutan

Những cuộc khai quật và nghiên cứu lịch sử chỉ ra, Bhutan đã tồn tại từ 4.000 năm trước. Còn nếu dựa trên những văn bản ghi chép thì Bhutan khai sinh từ thời điểm Phật Giáo được đưa vào Bumthang, từ thế kỷ thứ 7.

Bhutan ban sơ

Vào khoảng 1.500 trước Công nguyên, người dân sống ở Bhutan bằng nghề chăn gia súc. Phật Giáo sau đó du nhập vào vùng đất này vào thế kỷ thứ 7. Ngay sau đó, thế kỷ thứ 8 đánh dấu sự kiện một người đàn ông từ Ấn Độ – người sau này được tôn làm Đức Phật Liên Hoa Sinh – đã đến và truyền bá Phật Giáo vào Bhutan. Kể từ đó, Phật Giáo trở thành phần không thể tách rời trong văn hóa và lịch sử của Bhutan.

Phải đến tận năm 1616, Bhutan mới được thống nhất nhờ công của nhà lãnh đạo tinh thần Ngawang Namgyal. Sau đó, Ngài lấy danh hiệu Zhabdrung Rinpoche, trị vì Bhutan toàn vẹn.

Lịch sử Bhutan
Phần lớn lịch sử Bhutan đều gắn với Đạo Phật

Ngawang Namgyal cũng chia chính quyền của Bhutan thành hai mảng: mảng tinh thần và mảng hành chính. Trong đó, Zhabdrung là tên gọi cho cho các thủ lĩnh tinh thần còn Desi để chỉ người sẽ đứng đầu để điều hành trong lĩnh vực hành chính, chính trị.

Năm 1627, hai linh mục Dòng Tên người Bồ Đào Nha đã trở thành những người Châu Âu đầu tiên đến thăm Bhutan.

Tuy nhiên, thế kỷ 18 là một kỷ nguyên bất ổn chính trị ở Bhutan khi nhiều Desi bị ám sát. Người Anh lại ngày càng trở nên hùng mạnh ở Ấn Độ. Lần đầu tiên Bhutan thực hiện một hiệp ước với người Anh vào năm 1774. Chiến tranh giữa hai bên nổ ra năm 1864 do tranh chấp khu vực đồng bằng Duars. Sau chiến tranh, người Anh giành được Duars.

Bhutan hiện đại

Năm 1907, Ugyen Wangchuk được bầu làm vua của Bhutan. Sau đó vào năm 1910, Bhutan và Anh đã ký một hiệp ước. Anh đồng ý không can thiệp vào công việc nội bộ của Bhutan miễn là người Bhutan chấp nhận để anh can thiệp vào các mối quan hệ ngoại giao của Bhutan.

Sau đó, năm 1947, Bhutan tiếp tục ký một hiệp ước với Ấn Độ. Ấn Độ đồng ý không bành trướng ở Bhutan, miễn là Bhutan để họ tham dự vào các vấn đề nội bộ của quốc gia này.

Đến tận năm 1960, Bhutan mới chấm dứt cô lập, liên tiếp vươn ra với thế giới. Tiêu biểu là tham gia Kế hoạch Colombo (một tổ chức quốc tế với mục đích hợp tác phát triển kinh tế và xã hội trong khu vực Á châu và Thái Bình Dương) năm 1962, gia nhập Liên minh Bưu chính Thế giới năm 1969 và Liên hợp quốc năm 1971. Nhà vua Bhutan cũng đưa ra rất nhiều cải cách mới mẻ, sáng lập Quốc hội và Quân đội Hoàng gia Bhutan.

Bhutan hòa nhập với thế giới
Hiện nay, Bhutan đã tiến đến hòa nhập vào rất nhiều dự án trên thế giới

Năm 1999, lần đầu tiên truyền hình vệ tinh ra mắt ở Bhutan.

Sau đó, vào đầu thế kỷ 21, Bhutan đã trở thành một quốc gia dân chủ. Năm 2005, nhà vua đã công bố một hiến pháp mới. Cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên cho quốc hội được tổ chức vào năm 2008.

Ngày nay, Bhutan chủ yếu là một quốc gia nông nghiệp, các ngành công nghiệp đều hoạt động dưới dạng tiểu công nghiệp, đất nước chú trọng phát triển thủy điện và du lịch nhưng song hành với bảo vệ truyền thống và thiên nhiên cũng như những nét đẹp tâm linh.

Đặc trưng trong văn hóa Bhutan

Văn hóa Bhutan có sự liên kết chặt chẽ với Tây Tạng và cùng nằm trên con đường tơ lụa giữa Trung Quốc và tiểu lục địa Ấn Độ, vì thế mà có thể thấy về tổng quan, Bhutan giống như một phép cộng duyên dáng của Tây Tạng, Trung Quốc và Ấn Độ. Song không thể phủ nhận chính sự pha trộn và phát triển theo hướng riêng biệt lại mang đến chất Bhutan không thể nhầm lẫn.

Trang phục truyền thống

Trang phục truyền thống Bhutan của đàn ông là Gho đây là một loại áo choàng dài tới đầu gối được cố định bởi dải thắt lưng ngang eo gọi là Kera. Còn phụ nữ sẽ mặc trang phục dài tới mắt cá chân được gọi là Kira và sẽ bị cắt cụt một bên vai và thắt ngang lưng. Và đi cùng Kira có một chiếc áo choàng dài tay. Vị thế và địa vị xã hội sẽ quyết định kiểu dệt và màu sắc trang trí của những bộ trang phục.

Nét văn hóa trong trang phục Bhutan
Văn hóa Bhutan thể hiện cả trên những trang phục truyền thống

Luật pháp của Bhutan yêu cầu mặc trang phục truyền thống ở tất cả những điểm công cộng, nhất là trong các lễ hội và các sự kiện chính thức. Không khó để bắt gặp những người phụ nữ Bhutan điểm trang cho mình bằng những đồ trang sức từ đá san hô, đá ngọc lam thô sơ.

Môn thể thao yêu thích

Môn thể thao truyền thống tại Bhutan là bắn cung. Người Bhutan yêu thích môn thể thao này đến nỗi hầu như mùa nào trong năm cũng có một cuộc thi bắn cung nào đó đang diễn ra ở những ngôi làng nhỏ. Đây là một sự kiện xã hội bán chuyên thu hút được sự quan tâm nhiều nhất. Mỗi lần hội bắn cung diễn ra, mọi người sẽ chuẩn bị rất nhiều đồ ăn, đồ uống, cùng tụ tập để cổ vũ cho các cung thủ.

Tôn giáo

Đạo Phật được coi là quốc giáo của đất nước này với hơn 75% dân chúng theo Đạo Phật và gần 100% thực hành đạo Phật mỗi ngày. Sự kính ngưỡng với tôn giáo ăn vào máu của người dân Bhutan từ thuở lọt lòng. Họ không chỉ coi Đạo Phật là một tôn giáo của Bhutan mà còn coi đó quan trọng như không khí và nước uống mỗi ngày, để những giáo lý nhà Phật thấm nhuần vào đời sống tình cảm và lý trí của mình.

Văn hóa tôn giáo Bhutan
Phật Giáo gần như đã trở thành lối sống của người dân Bhutan

Các khách du lịch Bhutan sẽ thấy rất nhiều nhà sư mọi lứa tuổi khi đến đây. Bhutan có truyền thống là các bé trai từ 6 – 9 tuổi sẽ được gửi vào chùa để tu hành, cùng các sư thầy đọc kinh Phật, tu tâm dưỡng tính. Sau này các bé có thể chọn hoặc là tiếp tục con đường tu hành, hoặc là hoàn tục và làm các công việc khác. Dù ở trường hợp nào thì những răn dạy được học từ tấm bé cũng đã nhẹ nhàng thấm sâu và mỗi người, trở thành đức tin cũng như kim chỉ nam trong cuộc sống.