6 Loại Nhạc Cụ Truyền Thống Nổi Tiếng Nhất Bhutan

Đàn Drangyen truyền thống của Bhutan

Bhutan được biết đến với cái tên “Quốc gia hạnh phúc” với sự chan hòa từ thiên nhiên hoang sơ kì vĩ đến những con người sống đơn thuần như cỏ cây sâu trên núi cao. Thế nhưng câu hỏi về nền âm nhạc truyền thống và những nhạc cụ truyền thống dệt nên giai điệu thuấn nhuần vào những con người hạnh phúc của quốc gia đó thì vẫn còn là bí mật bỏ ngỏ. Âm nhạc truyền thống của Bhutan được đánh giá là du dương dù không tuân theo sự hài hòa âm luật nào. Đặc biệt, âm nhạc truyền thống đóng vai trò tối quan trọng trong các lễ nghi tâm linh của người Bhutan.

Người Bhutan khi chơi nhạc cụ truyền thống thường dùng động tác gõ, kèm theo phối hợp trên nhiều loại nhạc cụ truyền thống khác nhau. Để đến với trái tim văn hóa Bhutan, không con đường nào nhanh hơn con đường âm nhạc. Mà phép màu tạo ra thứ âm nhạc độc nhất của người Bhutan chính là những nhạc cụ truyền thống đặc sắc của đất nước này. Bhutan có vô số các loại nhạc cụ truyền thống đặc sắc, nhưng nổi tiếng và quan trọng nhất phải kể đến 6 loại nhạc cụ sau đây.

Nhạc Cụ Truyền Thống Bộ Dây Của Bhutan

Đàn Drangyen

Đàn Drangyen được xem là một trong những loại nhạc cụ lâu đời, linh thiêng nhất trong các loại nhạc cụ truyền thống của người Bhutan, được dùng cho mục đích phi tôn giáo. Bản thân cái tên “drangyen” đã gửi gắm ý nghĩa “âm thanh du dương” để chỉ loại đàn này. Sự tích về đàn Drangyen có nhiều phiên bản đa dạng khác nhau nhưng đều để tán dương sức mạnh có thể xua đuổi tà ma của loại đàn này.

Đàn Drangyen truyền thống của Bhutan
Đàn Drangyen được coi như linh hồn trong nền âm nhạc truyền thống Bhutan

Đàn Drangyen có bảy dây, bao gồm cả một dây ngắn, được làm từ gỗ, da và xương bò. Thân đàn thường được chạm khác tay tỉ mỉ với những hình thù bắt mắt. Khi chơi đàn Drangyen, giai điệu cất lên thường mang màu sắc nhẹ nhàng, rất nhiều người chơi nhạc chuyên nghiệp đều đánh giá rất khó để chơi nhuần nhuyễn loại nhạc cụ này.

Trong các buổi hòa nhạc của nhạc cụ dân tộc lớn thì đàn Drangyen thường đúng ở vị trí nhạc cụ trung tâm ở Bhutan. Bởi lịch sử xa xưa gắn liền với rất nhiều vị thần trong văn hóa Bhutan mà đàn Drangyen là nhạc cụ truyền thống không thể nào bỏ qua khi nhắc đến Bhutan nói chung và nền âm nhạc truyền thống của Bhutan nói riêng.

Đàn kéo Chiwang/Pewang

Du lịch Bhutan thì không thể bỏ qua đàn kéo Chiwang. Đây là là loại nhạc cụ truyền thống có hai dây, thoạt nhìn có nét giống với đàn nhị của Việt Nam. Trên thế giới, có nhiều nơi gọi đây là đàn violin của Bhutan vì hình dáng và cách chơi kéo dây đàn khá tương tự.

Đàn chiwang được coi là violin của Bhutan
Hình dáng một cây đàn Chiwang – Violin phiên bản Bhutan

Thân đàn thẳng đứng, ở dưới là hộp đàn thường được làm bằng da động vật. Hai dây đàn thông thường sẽ được làm từ đuôi ngựa. Cây kéo đàn được chọn từ những thân cây tre cứng cáp, hai đầu nối với dây đàn cũng được làm từ đuôi ngựa.
Khi chơi đàn, cây kéo sẽ được đặt ngang thân đàn, tay còn lại điều chỉnh dây trên thân đàn để tạo ra âm thanh cùng lúc với khi kéo dây. Đàn kéo Chiwang được cho rằng có xuất xứ sâu xa từ Mông Cổ.

Nhạc Cụ Truyền Thống Bộ Khí Của Bhutan

Sáo Lim

Khác với hai loại đàn được kể trên, sáo Lim có kích cỡ nhỏ nhắn và gọn gàng hơn hẳn. Vẫn được làm từ nguyên liệu rất thân thuộc của Bhutan là gỗ tre, sáo Lim đánh dấu sự khác biệt của nó bằng khoảng cách giữ lỗ thổi chính và lỗ đặt tay. Ở vùng Kheng, Bhutan, người ta còn gọi sáo Lim là “sáo của người chăn bò”.

Sáo Lim làm từ tre của người Bhutan
Sáo Lim làm từ tre của người Bhutan

Thân sáo bao gồm sáu lỗ đặt tay và một lỗ thổi thẳng hàng với nhau. Khi thổi sáo, người thổi sẽ cầm thẳng thân, giai điệu đi ra thường nhẹ nhàng. Tuy không được biết đến rộng rãi như hai loại nhạc cụ trên, sao Lim vẫn là một phần văn háo nhạc cụ gắn với người Bhutan, nhất là những người chăn bò sâu trong rừng rậm lại cực kì thân thuộc với loại sáo giản dị này.

Tù và Aungli

Tù và Aungli được làm từ sừng bò hoặc sừng trâu cỡ lớn. Phần nhọn ở cuối của chiếc sừng được cắt một lỗ thổi nhỏ để không khí có thể dễ dàng lưu thông. Đây cũng là một loại nhạc khí thân thuộc với những người chăn bò tại Bhutan. Họ thường thổi Aungli một lần vào buổi sáng, thời điểm lùa gia súc ra ngoài và một lần vào buổi tuối, để gọi gia súc về.

Tù và Aungli làm từ sừng bò hoặc sừng trâu cỡ lớn
Tù và Aungli làm từ sừng bò hoặc sừng trâu cỡ lớn

Tuy không đóng vai trò chủ chốt trong dàn hợp xướng của các nhạc cụ truyền thống Bhutan, Aungli lại có ý nghĩa rất lớn với những người dân Bhutan bởi vừa dùng để điều khiển gia súc, vừa có thể bảo vệ đàn gia súc khỏi các con mồi đi săn nhờ tiếng thổi dũng mãnh. Tù và Aungli cũng được đánh giá là khó chơi và cần phải có hơi thổi thật lớn thì mới điều khiển được âm thanh thoát ra.

Nhạc Cụ Truyền Thống Bộ Gõ Của Bhutan

Đàn gõ Yangchin

Đàn Yangchin là một loại nhạc cụ gõ truyền thống có dây. Thông thường trên thần đàn sẽ có khoảng 20 dây thép kéo căng dọc theo một thân đàn hình thang được làm từ gỗ. Dụng cụ không thể thiếu khi chơi đàn Yangchin là một đôi gõ bằng tre với đầu đôi gõ được bọc cao su.

Yangchin nhạc cụ bộ gõ của Bhutan
Yangchin – nhạc cụ bộ gõ của Bhutan

Lịch sử của đàn gõ Yangchin rộng hơn các loại nhạc cụ khác. Xuất xứ từ Iran và được Châu Âu mang đến Trung Quốc vào thế kỉ thứ 17. Đến tận những năm 1960, loại nhạc cụ này mới du nhập vào Bhutan. Ngày nay, đàn gõ Yangchin được đánh giá là nhạc cụ không thể thiếu trong nền âm nhạc truyền thống Bhutan.

Yangkali

Loại nhạc cụ này đặc biệt ở chỗ không phải do con người tạo ra mà gần như được rừng rậm mang đến. Yangkali được người Bhutan biết đến là thứ quả sinh trưởng trên một loại cây thân leo. Quả của cây này có nhiều hạt lớn nằm trong chiếc vỏ dài, trông như một quả đậu hà lan khổng lồ có màu nâu sậm.

Nhạc cụ gõ Yangkali của người Bhutan
Lớp vỏ cứng từ hạt cây của Yangkali

Khi quả Yangkali khô lại, lớn vỏ cứng ôm lấy các hạt Yangkali bên trong. Người chơi có thể tạo ra nhịp điệu bằng cách gõ lên các hạt hoặc lắc mạnh Yangkali. Các vũ công nam thường đeo Yangkali bên trái thắt lưng trong lúc biểu diễn để tạo ra âm thanh sống động.

Các loại nhạc cụ truyền thống khác của Bhutan còn có thể kể đến kèn thổi Khongkha, Gombu,… đều được làm từ các chất liệu như tre, sừng trâu hoặc sừng bò nhưng được khách du lịch Bhutan biết đến ít hơn và thường đứng ở vị trí phụ trợ trong các buổi hòa nhạc truyền thống lớn.